Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực

 So với Luật khoáng sản năm 1996, Luật Khoáng sản sửa đổi bổ sung năm 2005 thì Luật Khoáng sản năm 2010 có một số điểm đáng lưu ý như:

– Thứ nhất, trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cấp, các ngành được quy định cụ thể hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước; Còn đối với các bộ, ngành có liên quan thì luật không quy định mà giao cho Chính phủ phân công, giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản giữa các bộ, ngành ở Trung ương. Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp thì trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản tại cấp cơ sở được tăng cường. Cụ thể, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực có khoáng sản; Báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện về hoạt dộng khoáng sản tại địa phương; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản; Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền,…
– Thứ hai, Luật Khoáng sản năm 2010 dành một Chương riêng để quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm huy động và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn để giải toả, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đối với lực lượng công an, quân đội thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo,…Bên cạnh đó, luật cũng quy định nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.
– Thứ ba, xoá bỏ cơ chế “xin – cho” khi cấp quyền khai thác khoáng sản. Nghĩa là để được khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản còn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
– Thứ tư, quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như: Hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi; Sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; Nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản thì tuỳ mức độ phải có trách nhiệm sữa chữa, duy tu, xây mới hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật khoáng sản năm 2010 còn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về hoạt động khoáng sản, giấy phép hoạt động khoáng sản, phân cấp thẩm quyền cấp phép, quy định về khu vực khoáng sản và chiến lược quy hoạch khoáng sản.

Related Post