TS. TRẦN TÂT THẮNG1, ThS. TRẦN VĂN THẢO21Tổng hội Địa chất Việt Nam, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội2Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, 613 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn
Tóm tắt: Theo nguồn gốc, và đặc điểm phân bố, quặng titan và zircon tập trung trong ba kiểu mỏ:1. Các mỏ sa khoáng titan và zircon ven biển gồm: sa khoáng trong tầng cát bở rời tuổi Holocen và sa khoáng trong tầng cát đỏ gắn kết tương đối tốt tuổi Pleistocen.2. Các mỏ quặng titan là phần vỏ phong hóa của các khối đá gabro chứa xâm tán ilmenit.3. Mỏ quặng titan gốc trong các khối đá xâm nhập mafic.Các mỏ quặng titan, zircon phân bố tương đối tập trung trong các vùng: Bình Thuận, Ninh Thuận, dải ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, dải ven biển từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và vùng Đại Từ, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.Tài nguyên quặng titan và zircon của Việt Nam là rất lớn. Các mỏ có hàm lượng trung bình và nghèo nhưng chất lượng quặng tốt, có điều kiện khai thác thuận lợi, chi phi khai thác, tuyển quặng thấp, phân bố trong các vùng có cơ sở hạ tầng thuận lợi. Tài nguyên quặng titan và zircon đã biết là đủ để phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan và zircon có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản xuất được các sản phẩm đa dạng, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.TITANIUM AND ZIRCON ORE RESOURCESAbstractGenetically, titanium ores are concentrated in three types of deposits:1. Coastal placer deposits, consisting of coastal placers in sand formation of marine and eolean geneses aged Holocene and those in relatively well consolidated sand formation aged Pleistocene;2. Titanium deposits in the weathering crust of gabbro massifs containing disseminated ilmenite;3. Primary ilmenite ore deposits in mafic intrusive rocks.Titanium and zircon ore deposits are of relatively high concentration in coastal areas of Binh Thuan, Ninh Thuan provinces, from Thanh Hoa to Thua Thien – Hue, from Quang Nam to Khanh Hoa, as well as inland in Dai Tu, Phu Luong areas of Thai Nguyen province.The titanium and zircon ore resources of Vietnam are great. The deposits are of medium and low grade but of favorable mining conditions, low mining and ore processing costs, located in areas with favorable infrastructure. The known titanium and zircon ore resources present sufficient basis for sustainable development of large scale, modern titanium and zircon ore mining and processing industry, which is able to produce diversified and high value products meeting the demands for domestic use and export.Trong hơn 60 năm qua ngành Địa chất Việt Nam đã điều tra, phát hiện và làm rõ được tài nguyên của nhiều loại khoáng sản trên phần lãnh thổ. Kết quả điều tra trong các năm gần đây cho thấy Việt Nam có nguồn tài nguyên quặng titan và zircon rất lớn, góp phần quan trọng để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển kinh tế-xã hội của một số địa phương nói riêng và cả nước nói chung.I. Mức độ điều tra, thăm dò và khai thácCho đến nay, quặng titan đã được điều tra tương đối chi tiết. Kết quả điều tra đã khoanh định các diện tích lớn chứa quặng bao gồm các dải sa khóang ven biển miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến phần bắc Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng Đại Từ, Phú Lương thuộc tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Quang.Nhiều mỏ quặng titan đã được thăm dò và đang khai thác với quy mô khác nhau. Đến năm 2011 đã có 32 doanh nghiệp khai thác trong Hiệp hội Titan. Đến 31/12/2010 có 47 giấy phép khai thác còn hiệu lực (13 giấy phép do Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 34 giấy phép do UBND các tỉnh cấp). Thực tế khai thác trong các năm 2009-2010 dao động 500.000 đến 700.000 tấn tinh quặng/ năm. Một số nhà máy luyện xỉ titan, xưởng nghiền mịn zircon đang hoạt động. Tuy nhiên, công suất không cao và công nghệ chế biến còn thấp, chưa thu hồi được triệt để khoáng vật quặng trong cát.II. Các kiểu mỏ quặng titanTheo nguồn gốc và đặc điểm phân bố, quặng titan phân bố tập trung trong ba kiểu mỏ:1. Các mỏ sa khoáng ven biển gồm các loại:– Sa khoáng ven biển trong tầng cát nguồn gốc biển và gió tuổi Holocen– Sa khoáng ven biển trong tầng cát đỏ gắn kết tương đối tốt tuổi Pleistocen.2. Các mỏ quặng titan là phần vỏ phong hóa của các khối đá gabro chứa xâm tán ilmenit.3. Mỏ quặng titan gốc gồm các mạch quặng giàu ilmenit trong các khối đá xâm nhập mafic.Trong số các kiểu mỏ này các mỏ sa khoáng ven biển trong tầng cát đỏ gắn kết tương đối tốt tuổi Pleistocen có tài nguyên và trữ lượng lớn nhất, còn các mỏ sa khoáng ven biển trong tầng cát nguồn gốc biển và gió tuổi Holocen có điều kiện khai thác thuận lợi nhất và hiện nay đang được khai thác với sản lượng tương đối lớn.III. Các vùng mỏ quặng titanCác mỏ quặng titan, zircon phân bố tương đối tập trung trong các vùng: Bình Thuận, Ninh Thuận, dải ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, dải ven biển từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và vùng Đại Từ, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.III.1. Vùng Bình ThuậnLà vùng có tài nguyên quặng titan lớn nhất Việt Nam. Quặng chủ yếu nằm trong tầng cát đỏ gắn kết tương đối tốt, có tuối Pleistocen, hệ tầng Phan Thiết, một phần tài nguyên nhỏ hơn phân bố trong trong cát nguồn gốc biển và gió tuổi Holocen. Tầng cát đỏ hình thành trong các bồn trũng ven biển, hiện nay phân bố rộng rãi trên diện tích kéo dài từ nam mũi Cà Ná, huyện Tuy Phong đến vùng Long Hải thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu có bề rộng thay đổi từ 500 m đến 15 km kể từ bờ biển hiện đại (Hình 1, 2). Phần lớn tầng cát đỏ lộ ngay trên bề mặt địa hình, một phần nhỏ bị phủ bởi các tích tụ Holocen. Bề mặt địa mạo tương đối thoải, độ cao thay đổi từ 40 đến > 200 m so với mực nước biển.Thành phần tầng cát đỏ tương đối đồng nhất, chủ yếu là cát hạt trung đến mịn, chứa khoảng 10,0 đến ~20,0% sét. Màu sắc: đỏ nâu, đỏ thẫm, đỏ tươi ở phần trên, nhạt dần ở phần dưới và chuyển qua màu xám vàng, xám sáng, bị nén khá chặt, gắn kết yếu đến vừa; khi bị phong hoá có màu nhạt dần gồm: vàng, vàng phớt đỏ, vàng. Bề dày của tầng hien tại từ vài chục mét đến >190 m.Bề mặt đáy tầng cát đỏ tương đối thoải hoặc dạng nhấp nhô với biên độ nhỏ. Tuy nhiên, một số ít nơi có bề mặt khá lồi lõm, phức tạp. Các đá gốc gồm: ryolit, granit.Thân quặng titan trong tầng cát đỏ có quy mô rất lớn, có hình thái đơn giản, nằm ngang, bao gồm tòan bộ mặt cắt của tầng cát đỏ hoặc thành các thấu kính lớn có diện tích đến hàng chục km2, có bề dày thay đổi đến 90 m, giữa các thấu kính có xen kẹp một số thấu kính, lớp cát chứa quặng nghèo có bề dày thay đổi đến 26,0 m.Thành phần khoáng vật quặng bao gồm nhóm khoáng vật titan: ilmenit + rutil + anatas + leucoxen và zircon, ngoài ra còn có monazit, brookit với hàm lượng thấp. Các khoáng vật phi quặng khác như turmalin, monazit, granat, stavrolit, biotit, epiđôt, limonit, hematit, sét – clorit, thạch anh, felspat.Trong các thân quặng các khoáng vật titan và zircon xâm tán khá đều (Bảng 1). Theo các lỗ khoan hàm lượng tổng khoáng vật quặng có ích dao động từ 0,26% đến 1,45%, trung bình 0,5%, trong đó hàm lượng khoáng vật zircon dao động từ 0,030% đến 0,215%; trung bình 0,076% (chiếm 15,2% so với tổng khoáng vật quặng). Các khoáng vật quặng có kích thước hạt tương đối nhỏ: phân bố chủ yếu trong cấp hạt -1 +0,074 mm (94,21 %), trong đó: phần sạn (>1 mm): 0,12%, cát hạt lớn (-1+0,5 mm): 7,59%, cát hạt vừa (-0,5+0,355 mm): 20,10%, cát hạt nhỏ (-0,355+0,125): 62,37%, bột (-0,125+0,074 mm): 4,15%, sét (<0,074 mm): 5,67%.Bảng 1. Thống kê đặc điểm biến đổi sa khoáng theo chiều sâu tại một số công trình
Số hiệu lỗ khoan
Số mẫu thống kê
Bề dày quặng (m)
Hàm lượng KVN (%)
Lớn nhất
nhỏ nhất
Trung bình
LK.46/45
63
122,5
1,097
0,060
0,586
LK.46/46
62
128,3
1,016
0,152
0,502
LK.46/47
53
106,0
2,317
0,242
0,686
LK.46/48
54
115,6
0,995
0,234
0,444
LK.46/49
53
113,0
1,496
0,147
0,496
LK.46/50
56
111,5
0,903
0,254
0,549
LK.46/51
52
112,5
1,352
0,142
0,651
LK.46/52
48
112,6
0,919
0,233
0,666
LK.46/53
55
109,5
1,080
0,135
0,635
LK.46/54
49
106,3
0,856
0,143
0,682
LK.46/55
44
88,0
1,015
0,292
0,686
LK.46/56
42
71,4
1,174
0,556
0,791
Trên diện tích 782 km2 thuộc tỉnh Bình Thuận đã được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam điều tra và đánh giá được tài nguyên dự tính 333, tài nguyên dự báo 334a là 558 triệu tấn khoáng vật nặng (Bảng 2). Hàm lượng khoáng vật nặng có ích trung bình thân quặng từ >0,45% đến gần 1,0%. Trong đó, hàm lượng zircon chiếm từ 12% đến 20% tinh quặng, trung bình khoảng 15%, tạo giá trị kinh tế cao cho các mỏ. Hàm lượng TiO2 trong tinh quặng ilmenit >50%. Hàm lượng ZrO2 trong tinh quặng zircon >60,2%. Các thành phần có hại trong tinh quặng (Cr2O3, SFe, V, P2O5…) thấp.Bảng 2. Tài nguyên quặng titan – zircon trên diện tích 782km2 đã điều tra 2010 (triệu tấn)
Nguyên liệu khoáng Tài nguyên dự tính cấp 333 Tài nguyên dự báo cấp 334a Tổng tài nguyên cấp 333 và 334a Tổng khoáng vật nặng 347,8 210,2 558 Khoáng vật nhóm titan 296,9 182,4 479,3 Zircon 50,9 27,8 78,7Ngoài ra, còn một phần diện tích khá lớn ngoài diện tích nêu trên, phân bố dọc ven biển, có tầng cát đỏ với bề dày lớn, có hàm lượng quặng tương đối cao chưa được điều tra. Một số diện tích đã được các doanh nghiệp thăm dò (Bảng 2).Bảng 2. Kết quả thăm dò quặng sa khoáng titan –zircon tại dải ven biển Bình Thuận.
Số TT Doanh nghiệp thăm dò Tên mỏ/vùng Diện tíchkm2 Trữ lượng cấp 121 và 122 (ngàn tấn) Tài nguyên cấp 333(ngàn tấn) Khoáng vật nhóm titan Zircon Khoáng vật nhóm titan Zircon Công ty Phú Hiệp Long Sơn- Suối Nước 9,9 2.334 439 1.782 307 Công ty Tân Quang Cường Nam Suối Nhum 7,66 2.206 531,9 216,0 43,0Ngoài ra, còn một số diện tích tại xã Hòa Thắng, Hồng Phong huyện Bắc Bình và phường Phú Hải, Hàm Tiến thị xã Phan Thiết không ảnh hưởng đến các dự án du lịch đang được dự kiến thăm dò. Khi hoàn thành thăm dò các diện tích nêu trên sẽ xác định được khoảng 10 triệu tấn khoáng vật nặng, trong đó có khoảng 2 triệu tấn zircon.Vùng quặng này có điều kiện khai thác thuận lợi bằng phương pháp lộ thiên, bơm hút và tuyển trọng lực ngay tại mỏ. Đặc điểm địa chất thuỷ văn – địa chất công trình của mỏ đơn giản. Khó khăn duy nhất là nguồn nước để đãi rửa quặng không nhiều. Quặng thuộc loại tương đối dễ tuyển, tầng cát dễ bở rời trong nước. Tuyển trọng lực và tuyển từ thu hồi quặng có hàm lượng đến 49,75%. Tuyển điện các sản phẩm không từ có thể thu hồi sản phẩm zircon có hàm lượng ZrO2: 54,02%. Sản phẩm sau tuyển đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để cung cấp cho nhà máy sản xuất bột dioxit titan và bột zircon trong nước và xuất khẩu.III.2. Vùng Ninh ThuậnTại Ninh Thuận quặng titan phân bố tập trung trên diện tích khỏang 80km2 ở các xã ven biển thuộc hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Quặng chủ yếu nằm trong tầng cát đỏ gắn kết tương đối tốt, có tuối Pleistocen, hệ tầng Phan Thiết, một phần tài nguyên nhỏ hơn nằm trong tầng cát bở rời nguồn gốc biển và gió tuổi Holocen phân bố sát bờ biển. Tầng cát đỏ này có đặc điểm địa chất và thành phần khoáng vật, hàm lượng khoáng vật nhóm titan và zircon hoàn toàn tương tự như tầng cát đỏ vùng Bình Thuận. Điều khác biệt là bề dày của tầng nhỏ hơn, tối đa là 75m.Hầu hết diện tích có tầng cát đỏ đã được giao cho các doanh nghiệp thăm dò. Công ty Cổ phần Sài Gòn – Ninh Thuận đã hoàn thành thăm dò trên diện tích 13,61 km2 và đã xác định được trữ lượng cấp 121 và 122 là 4,84 triệu tấn khoáng vật nặng, trong đó có 0,59 triệu tấn tinh quặng zircon (chiếm 12%). Ngoài ra còn dự tính được tài nguyên cấp 333 là 215,8 ngàn tấn khoáng vật nặng. Khi các Công ty Đất Quảng Ninh Thuận, Vinamico, Quang Thuận hoàn thành công tác thăm dò thì trữ lượng khoáng vật nặng của cả vùng sẽ đạt khoảng 16 triệu tấn, trong đó sẽ có khoảng 1,92 triệu tấn zircon.Vùng quặng này cũng có điều kiện khai thác thuận lợi: bề mặt địa hình tương đối thoải đến bằng phẳng, không có dân cư và đất trồng trọt, khai thác bằng phương pháp lộ thiên, bơm hút và tuyển trọng lực ngay tại mỏ. Đặc điểm địa chất thuỷ văn – địa chất công trình của mỏ đơn giản.III.3. Dải ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – HuếTrên dải ven biển có chiều dài 550km đã phát hiện, khoanh định, đánh giá 41 thân sa khoáng, phân bố trên các vùng: Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; Nghi Xuân, Can Lộc – Thạch Hà – Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; Vĩnh Linh, Cửa Tùng – Cửa Việt tỉnh Quảng Trị; Hải Khê – Quảng Ngạn (từ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đến huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế); Kế Sung – Vinh Mỹ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Trong số đó các mỏ ở Hà Tĩnh, một số mỏ ở Quảng Trị, Thừa thiên – Huế đang được khai thác.Sa khoáng titan – zircon chủ yếu phân bố trong trầm tích nguồn gốc biển – gió Holocen, vài nơi trong trầm tích Pleistocen. Các thân quặng riêng biệt có kích thước thay đổi trong khoảng lớn, có thân quặng kéo dài hàng chục kilomet, rộng hàng ngàn mét, có thân chỉ có chiều dài 500-600m, rộng 100-200m. Chiều dày trung bình các thân quặng thay đổi trong khoảng 2-2,5m đến 8,2m. Trong tinh quặng chủ yếu là khoáng vật nặng nhóm titan (ilmenit, leicoxen, anatas, rutil, brukit); ít hơn là zircon.Ngoài trữ lượng các mỏ sa khoáng đã cấp phép khai thác, tài nguyên sa khoáng của toàn dải ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế tập trung chủ yếu ở vùng Hải Khê – Quảng Ngạn và Kế Sung, Vinh Mỹ (tỉnh Thừa Thiên – Huế): 3,55 triệu tấn; Hậu Lộc, Sầm Sơn – Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa): 1,15 triệu tấn.Các mỏ này có điều kiện khai thác rất thuận lợi bằng phương pháp lộ thiên, cát bở rời trong nước, bơm hút và tuyển trọng lực ngay tại mỏ. Quặng thuộc loại tương đối dễ tuyển.III.4. Dải ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh HòaTrên dải ven biển có chiều dài 440 km đã khoanh định, đánh giá 56 thân sa khoáng phân bố trên 13 vùng: Hội An (Đà Nẵng); Thăng Bình, Bình Sơn (Quảng Nam); Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi); Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa, Bàn Nham (Phú Yên). Sa khoáng phân bố trong trầm tích biển gió Holocen. Kích thước các thân quặng rất khác nhau, chiều dài thay đổi từ 760 m đến 18 km, chiều rộng 100 – 2300 m, bề dày trung bình 2-7,5 m. Hàm lượng khoáng vật nặng có ích trung bình thân quặng thay đổi trong khoảng 0,7 đến 1,8%. Trong tinh quặng hàm lượng nhóm khoáng vật titan (ilmenit, rutil, anatas) ở vùng Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ 86 – 90%, zircon 9 – 16%, trong các vùng khác khoáng vật nhóm titan từ 94 – 98%, zircon 1,3 – 5%.Tổng tài nguyên sa khoáng đã tính được trên toàn diện tích ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa là 18,3 triệu tấn khoáng vật nặng có ích, trong đó tài nguyên 333 là 5,77 triệu tấn. Trong tổng tài nguyên khoáng vật nặng nêu trên, tài nguyên khoáng vật nhóm titan (ilmenit, leicoxen, anatas, rutin) là 17,6 triệu tấn (chiếm 96%), khoáng vật zircon là 0,729 triệu tấn (4%).Ngoài ra, tại các bán đảo Hòn Gốm và Cam Ranh, tại khu kinh té mở Chu Lai, khu kinh tế Nhơn Hội đã ghi nhận có sa khoáng titan-zircon với tài nguyên đáng kể nhưng chưa được điều tra.Các mỏ này có điều kiện khai thác rất thuận lợi bằng phương pháp lộ thiên, cát bở rời trong nước, bơm hút và tuyển trọng lực ngay tại mỏ. Quặng thuộc loại tương đối dễ tuyển. Hiện nay nhiều mỏ sa khoáng tại Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đang được khai thác.III.5. Vùng Đại Từ – Sơn DươngĐã thăm dò mỏ titan Cây Châm ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây đã khoanh định hai thân quặng gốc dạng mạch phân bố trong khối đá xâm nhập mafic có thành phần đa dạng, thay đổi phức tạp. Các mạch quặng có chiều dài đến 700m, dày từ 10 đến 100m, vát nhọn theo chiều sâu. Thành phần quặng gồm ilmenit, pyrit, calcopyrit, pentlandit, pyroxen, thạch anh, felspat. Hàm lượng ilmenit trong thân quặng từ 30 đến 70%. Trữ lượng đã xác định là 2,46 triệu tấn TiO2 (khoảng 4,83 triệu tấn ilmenit). Mỏ đang được khai thác. Công tác điều tra khoáng sản trong các năm qua đã phát hiện, đánh giá được 12 thân quặng titan có nguồn gốc phong hóa từ đá gabro chứa quặng trên các khu Sơn Đầu, Làng Cam, Hữu Sào, Phú Thịnh, Làng Lân, Hái Hoa thuộc các huyện Đại Từ, Phú Lương và Sơn Dương.Hình 1. Diện tích phân bố tầng cát đỏ chứa sa khoáng titan- zircon vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa-Vũng TàuTài nguyên cấp 333 + 334a đã tính được là 4,1 triệu tấn ilmenit, trong đó tài nguyên cấp 333 là 1,56 triệu tấn, bổ sung lượng tài nguyên có quy mô lớn cho vùng mỏ titan Cây Châm, mở ra tiền đề cho điều tra phát hiện các vùng khác có đặc điểm địa chất tương tự không những ở Thái Nguyên, mà còn ở Tuyên Quang, Bắc Kạn. Quặng có hàm lượng cao, ilmenit xâm tán trong tầng vỏ phong hóa mềm bở nên các mỏ có điều kiện khai thác rất thuận lợi. Hiện nay một số diện tích đang được thăm dò, khai thác.IV. Khả năng phát hiện mới và tăng tài nguyên quặng titanTrên cơ sở các kết quả điều tra địa chất, khoáng sản hiện có có thể dự kiến được các vùng có khả năng làm tăng đáng kể tài nguyên quặng titan:– Sa khoáng titan, zircon trong các trầm tích biển ven bờ thuộc Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Kỳ Anh, vùng Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.– Quặng titan trong vỏ phong hóa các đá gabro thuộc phức hệ Núi Chúa, các khối đá gabro – amphibolit thuộc phức hệ Kanack phân bố tại một số diện tích thuộc tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Bình Định.– Quặng sa khoáng titan, zircon phân bố trong các diện tích thuộc khu kinh tế Chu Lai, các bán đảo Phước Mai (Bình Định) Hòn Gốm và Cam Ranh (Khánh Hòa) đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, có quy mô đáng kể. Chúng cần được điều tra, thăm dò và quy hoạch khai thác nhanh để giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng khác.Kết luậnKết quả điều tra địa chất, khoáng sản trong các năm qua đã phát hiện và khẳng định tài nguyên quặng titan và zircon của Việt Nam là rất lớn và còn có khả năng bổ sung tài nguyên trong quá trình điều tra tiếp theo. Các mỏ có hàm lượng trung bình và nghèo nhưng có điều kiện khai thác thuận lợi, chi phi khai thác, tuyển quặng thấp, phân bố trong các vùng có cơ sở hạ tầng thuận lợi. Tài nguyên quặng titan và zircon đã biết là đủ cơ sở để xây dựng và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan và zircon có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản xuất được các sản phẩm đa dạng, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Để phát huy được giá trị của nguồn tài nguyên quý này, cần sớm có quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan, zircon bền vững và hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa của các ngành kinh tế, xây dựng một số khu công nghiệp khai khoáng tập trung với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thực hiện bới các doanh nghiệp có năng lực và trách nhiệm.TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU1. Trần Văn Trị và nnk. Địa chất và tài nguyên Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ. Hà Nội, 2009.2. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan –zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa –Vũng Tàu. 2010. Lưu trữ Địa chất. Hà Nội.3. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Báo cáo thường niên các năm 2008, 2009, 2010.4. Hội KHKT Đúc và luyện kim Việt Nam. Báo cáo Hội thảo khoa học Tư vấn phát triển công nghiệp titan Việt Nam. Hà Nội, 3/2011.