ĐÁ ĐỈNH FANSIPAN “CHỢT GIÀ THÊM” VÀI TRĂM TRIỆU TUỔI
PGS.TS Tạ Hòa Phương – Đại học quốc gia Hà Nội
UV Ban chấp hành Tổng hội Địa chất Việt Nam– Chủ tịch Hội Cổ sinh Địa tầng
Fansipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam (3.143m), cũng là cao nhất Đông Dương, nên được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương. Đó là một trong các đỉnh của dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài bên hữu ngạn sông Hồng, qua các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Dải núi ngút ngàn mây gió đó chứa đựng những cảnh quan hùng vĩ và kỳ thú từng làm mê đắm bao thế hệ các văn nghệ sỹ và những ai yêu thích thiên nhiên. Giá trị đa dạng sinh học của Hoàng Liên Sơn cũng cuốn hút bước chân của các nhà khoa học trong và ngoài nước đến với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nơi được Quỹ môi trường toàn cầu xếp loại A – cấp cao nhất về giá trị đa dạng sinh học.
Cũng như trên các dải núi cao khác, thảm thực vật Hoàng Liên Sơn mang tính vành đai theo độ cao rõ nét. Nếu phần dưới là thảm thực vật nhiệt đới điển hình, thì rừng cây ở phần cao trên 2.000m đã mang tính chất ôn đới rõ rệt. Đặc biệt từ độ cao 2.800m trở lên dường như chỉ còn thảm trúc lùn phủ kín các sườn núi. Bước chân giữa các khóm trúc thấp le te trong mịt mờ mây, du khách ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thấp thoáng đó đây là những khối đá hoa cương (granit) khổng lồ, trơ trọi, những thác nước cheo leo chốn lưng chừng trời, nhiều thác chỉ có nước đổ ồ ạt sau những cơn mưa núi ập xuống bất thần.
Hoa cương là thứ đá làm nên cốt lõi của Hoàng Liên Sơn, của khu vực đỉnh Fansipan. Loại đá này được hình thành trong lòng sâu của đất, bởi sự kết tinh của dung thể magma có thành phần felsic. Những ai không có điều kiện lên đỉnh Fansipan cũng có thể đến xem loại đá này tại thung lũng Mường Hoa, nơi hiện có nhiều tảng đá hoa cương lớn nhỏ, vẫn được gọi là Bãi đá cổ Sa Pa. Trên bề mặt các tảng đá ở đó có những vết khắc hoa văn bí ẩn – một trong những điểm đến thú vị của du khách khi đến với Sa Pa.
Fansipan có tên địa phương “Hủa Xi Pan”, có nghĩa là Phiến đá khổng lồ chênh vênh. Quả thật, chênh vênh giữa mây trời, không biết khối đá hoa cương đó từ bao giờ đã đứng thi gan cùng tuế nguyệt. Chỉ biết dải Hoàng Liên Sơn đã được nâng lên trong hoạt động tạo sơn Alpi, cùng thời với dãy núi Alpơ băng tuyết ở châu Âu. Quá trình nâng lên của Hoàng Liên Sơn gắn liền với hoạt động của hệ đứt gẫy sông Hồng có sau va chạm của “đảo” Ấn Độ vào lục địa Âu-Á cách nay khoảng 60 triệu năm, khiến một phần của vỏ trái đất ở đó nâng lên thành dãy Himalaya – mái nhà thế giới.
Vì là xương sống của cấu trúc địa chất Bắc bộ, nên Hoàng Liên Sơn được nghiên cứu từ rất sớm. Nhà địa chất E.P. Izokh trong nhóm chuyên gia Liên Xô sang giúp nước ta lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 phần Miền Bắc đã có công khai sơn phá thạch. Từ năm 1965 ông xác lập phức hệ đá hoa cương Yê Yên Sun, là phần chủ yếu cấu tạo nên dải Fansipan, với diện lộ khoảng 1.000km2 trên lãnh thổ Việt Nam. Theo ông, phức hệ đá hoa cương này là một khối duy nhất, không có thành tạo tương đương nào khác ở Miền Bắc. Với điều kiện và phương tiện nghiên cứu ngày ấy, ông định tuổi Paleogen (cách nay 65 đến 23,5 triệu năm) cho khối đá hoa cương này.
Sau nhiều năm, kể từ công trình Bản đồ địa chất Miền Bắc (1965), đến Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 do Trần Đức Lương và Nguyễn Xuân Bao đồng chủ biên (1989) và thậm chí cho đến gần đây, tuổi đá núi Fansipan vẫn được giữ nguyên như vậy. Tuy nhiên, từ 1977 đã lác đác có ý kiến về một tuổi cổ hơn của đá Fansipan, ứng với Jura-Creta (203 đến 65 triệu năm), nhưng chưa có cơ sở chắc chắn.
Năm 2007, người viết bài này có cơ may được tham gia đoàn thám hiểm Fansipan cùng Bộ môn Địa lý tự nhiên, ĐHSP Hà Nội, do PGS TS Đặng Duy Lợi làm trưởng đoàn. Dù trải nhiều gian nan, vất vả, nhưng được ngắm nhìn, được quay phim, chụp ảnh Fansipan trên từng bước chân thật là điều kỳ diệu. Và dù nặng mấy, tôi cũng cố gắng mang về những mẫu đá từ chót đỉnh của Đông Dương. Một mẫu được tặng Bảo tàng Địa chất Việt Nam ở 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Hai mẫu còn lại tôi đã tin cậy trao cho PGS TSKH Trần Trọng Hòa, trưởng phòng Magma, Viện Địa chất (Viện KH&CN VN) để nghiên cứu.
Những mẫu đá hoa cương Fansipan đã được nghiền để tuyển tách đơn khoáng. Các hạt khoáng vật zircon trong suốt nhỏ li ti được chọn riêng cho mục đích xác định tuổi tuyệt đối bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Uran – Chì. PGS Trần Trọng Hòa đã gửi các hạt zircon này đến TS U. Tadashi, viện KH Trái Đất thuộc Academia Sinica, Đài Loan để phân tích tuổi tuyệt đối, ứng dụng kỹ thuật LA-ICP-MS. Kết quả phân tích cho giá trị 259,6 ± 7 triệu năm. Như vậy, có thể coi tuổi thành tạo của đá trong khoảng 260-250 triệu năm, tương ứng với Permi muộn – Trias sớm. Kết hợp với các kết quả phân tích các đá tương tự trên đèo Hoàng Liên (cũng do nhóm PGS Trần Trọng Hòa mới thực hiện) thì tuổi của mẫu đá hoa cương trên đỉnh Fansipan kể trên là hoàn toàn phù hợp.
Theo PGS Trần Trọng Hòa, sự chính xác hóa tuổi đá hoa cương của phức hệ Yê Yên Sun , có ý nghĩa quan trọng, giúp viết lại lịch sử phát triển địa chất Permi – Trias ở Tây Bắc Việt Nam, nhất là đối với các cấu trúc Tú Lệ và Fansipan. Những tư liệu mới này đã kịp được thể hiện một phần trong cuốn chuyên khảo “Địa chất và Tài nguyên Việt Nam” do GS Trần Văn Trị chủ biên (bản tiếng Anh, đang in).
Như vậy, với kết quả phân tích mới nhất từ một phòng thí nghiệm phân tích tuổi đồng vị hiện đại, đá hoa cương Fansipan dường như bất ngờ “già thêm” trên 200 triệu tuổi, từ kỷ Paleogen của nguyên đại Tân Sinh (Cenozoi) về khoảng giáp ranh của hai kỷ Permi – Trias của các nguyên đại Cổ sinh (Paleozoi) và Trung sinh (Mesozoi). Khi đó mảng Ấn Độ còn chưa va vào châu Á, sông Hồng cùng đồng bằng châu thổ của nó còn chưa xuất hiện và hiển nhiên dãy núi Hoàng Liên cũng chưa được nâng lên sừng sững giữa đất trời.
< Prev | Next > |
---|